306 Phiếu cho Biden – 232 Phiếu cho Trump, cuộc chiến vẫn tiếp tục

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=WeNhvhRK18A

Trong khi thẩm phán bang Pennsylvania ngày 12/11 đã ra phán quyết có lợi cho ông Trump, đánh dấu chiến thắng pháp lý đầu tiên của tổng thống sắp mãn nhiệm thì các hãng truyền thông lớn của Mỹ ngày 13/11 thông báo ông Joe Biden đã đắc cử tổng thống với 306 phiếu đại cử tri còn ông Trump chỉ giành được 232 phiếu. Một diễn biến đáng ghi nhận khác là Trung Quốc đã chính thức « chúc mừng tổng thống tân cử Hoa Kỳ », sau một tuần dè dặt.

Chánh án Mary Hannah Leavitt của Tòa án Pennsylvania ngày 12/11 đã ra lệnh không tính các phiếu bầu được bổ sung thông tin nhận dạng cử tri sau ngày 09/11.

Số phiếu bầu thuộc dạng này có thể lên tới hàng ngàn phiếu.

Trước đó, trong một phán quyết ngày 05/11, tòa đã yêu cầu tách riêng các phiếu bầu này cho đến khi có phán quyết nên làm gì tiếp theo.

Theo luật của Pennsylvania, cử tri có tối đa 6 ngày sau bầu cử để bổ sung hoặc sửa chữa các bằng chứng nhận dạng cử tri. Do cuộc bầu cử năm nay rơi vào ngày 03/11 nên hạn chót để hoàn tất việc bổ sung, sửa chữa này là ngày 09/11.

Tuy nhiên, sau khi Tòa án tối cao Pennsylvania ra phán quyết rằng các lá phiếu gởi qua thư có thể được chấp nhận 3 ngày sau ngày bầu cử (tức ngày 06/11), bà Kathy Boockvar – một bộ trưởng của khối thịnh vượng chung Pennsylvabia – đã đưa ra một hướng dẫn, kéo dài thời gian nhận thông tin nhận dạng cử tri đến ngày 12/11. Hướng dẫn này được ban hành chỉ 2 ngày trước ngày bầu cử.

Thẩm phán Leavitt khẳng định ngày 12/11 rằng bà Kathy Boockvar không đủ thẩm quyền để ban hành hướng dẫn ngày 01/11. Trên cơ sở đó, chánh án Leavitt yêu cầu ủy ban bầu cử các hạt thuộc Pennsylvania không kiểm các lá phiếu bầu được bổ sung thông tin nhận dạng cử tri sau ngày 09/11.

Phán quyết hôm 12/11 tại bang Pennsylvania được coi là chiến thắng pháp lý đầu tiên của chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump.

Ảnh: Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đứng bên ngoài Trung tâm hội nghị Pennsylvania trong ngày 06/11/2020

Chiến thắng này có giá trị tinh thần rất lớn, có tác dụng khích lệ phe ông Trump tiếp tục trận chiến pháp lý dự báo còn kéo dài, ở nhiều bang khác nhau và nhiều địa điểm khác nhau. Truyền thông cho biết chiến dịch của ông Trump đã đệ đơn 20 vụ kiện ở các bang chiến trường.

Tại chính bang Pennsylvania, nhóm của Tổng thống Trump đang tìm cách hủy bỏ hơn 10.000 phiếu bao gồm hơn 8.000 phiếu bầu tại thành phố Philadelphia đã có những sai sót nhỏ thuộc về lỗi kỹ thuật kiểu như cử tri quên không đề ngày tháng cạnh chữ ký và khoảng 2.000 lá phiếu tại quận Bucks có mắc những lỗi nhỏ.

Hai vụ kiện trên tại Pennsylvania được tòa phân xử lần lượt vào ngày 13 và 17/11, tuy nhiên sau đó thỉ 2 thẩm phán đã bác bỏ cả 6 vụ kiện từ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump ở vùng ven biển phía đông này.

Hạn chót để chính quyền bang Pennsylvania xác thực kết quả bỏ phiếu cuộc tổng tuyển cử ngày 03/11 là ngày 23/11.

Tuy nhiên, báo Wall Street Journal nhận định chiến thắng ở Pennsylvania phần nhiều mang tính biểu tượng là vì phán quyết vừa nêu trên thực tế chỉ ảnh hưởng đến một lượng phiếu nhỏ gồm các phiếu bầu vắng mặt và phiếu bầu qua thư. Quy mô số phiếu được tòa cho là không hợp lệ này chưa đủ để lật ngược thế dẫn trước hiện nay khoảng 53.000 phiếu của ông Joe Biden tại Pennsylvania.

Ngoài bang Pennsylvania, nhóm của ông Trump cũng đệ đơn yêu cầu thẩm phán bang ngăn chặn việc chính thức xác nhận kết quả bầu cử tại 2 bang khác là Michigan và Arizona (đều là nơi ông Biden được truyền thông dự báo đã giành chiến thắng).

Còn tại các bang Georgia, Wisconsin và Michigan, một số nhóm cử tri ủng hộ ông Trump đã cử luật sư đại diện cho họ nộp đơn kiện lên tòa liên bang, yêu cầu loại bỏ các quận có rất đông người Dân chủ khỏi kết quả kiểm phiếu cuối cùng.

Giới chuyên gia về luật bầu cử Mỹ cho rằng cần phải có những chứng cứ kiểu “bom tấn” mới mong làm thay đổi kết quả bầu cử.

Trong bối cảnh tổng thống mãn nhiệm Donald Trump khăng khăng khẳng định có gian lận trong kì bầu cử thì các cơ quan đặc trách an ninh tuyển cử tuyên bố « không có bằng chứng » bầu cử bị tin tặc phá hoại.

Ảnh chụp màn hình thông cáo ngày 12/11 của Cơ quan an ninh mạng và an ninh hạ tầng (CISA), trực thuộc bộ An ninh Nội địa về tính tin cậy của cuộc bầu cử ngày 03/11

Cơ quan an ninh mạng và an ninh hạ tầng (CISA), trực thuộc bộ An ninh Nội địa khẳng định: « Bầu cử ngày 03/11 là cuộc đầu phiếu chắc chắn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ » cho dù là « đối tượng của một chiến dịch bóp méo thông tin và cáo buộc không cơ sở ». Thông cáo của cơ quan này nhấn mạnh « không có một chứng cớ nào cho thấy hệ thống bầu cử đã xóa, làm mất, đánh tráo lá phiếu, hay bị tin tặc dưới bất cứ hình thức nào ».

Báo New York Times cho biết trong hai ngày 09 và 10/11 đã liên hệ với các quan chức bầu cử cấp cao nhất tại toàn bộ 50 bang của Mỹ để hỏi xem họ có nghi ngờ hay có bằng chứng nào về gian lận bầu cử không. Theo báo này, đã có 45 bang phản hồi trực tiếp với báo, tất cả đều nói không có chứng cứ nào cho thấy đã có sự gian lận hay vi phạm nguyên tắc bầu cử nào tác động tới kết quả bầu cử tổng thống năm nay.

Phó thống đốc bang Texas, ông Dan Patrick, thậm chí còn tuyên bố treo thưởng 1 triệu USD cho những báo cáo gian lận bầu cử có đủ chứng cứ đích đáng.

Việc tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ vẫn kiên quyết không chấp nhận thua cuộc và tiếp tục khẳng định trên mạng xã hội Twitter là đã có gian lận trong bầu cử khiến phe Dân chủ tỏ ra nóng lòng.

Ông Chuck Shumer, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ ở Thượng Viện, phát biểu trong sự bực tức:

« Các vị thượng nghị sĩ Cộng Hòa, hãy dừng phủ nhận thực tế. Các vị hãy dừng gieo rắc mối ngờ vực một cách có chủ ý và thiếu cẩn trọng về tiến trình dân chủ của chúng ta. Đó chẳng qua chỉ là một sự suy sụp tinh thần của đảng Cộng Hòa, không có gì khác hơn là một màn trình diễn chính trị thảm hại cho một khán giả duy nhất : Tổng thống Donald Trump. »

Trong khi đó, bức tường chắn của đảng Cộng hòa bảo vệ chủ nhân Nhà Trắng cũng bắt đầu có rạn nứt khi một số thượng nghị sĩ thuộc phe tổng thống cho rằng Joe Biden phải được tham gia vào các buổi họp giao ban của các cơ quan tình báo Mỹ.

Ảnh: Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Lankford, đại diện bang Oklahoma, người đầu tiên của đảng Cộng hòa lên tiếng cho rằng Joe Biden phải được chia sẻ các báo cáo mật của cơ quan tình báo Mỹ

Ngày 11/11, phát biểu trên Đài Phát thanh địa phương KRMG, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Lankford, đại diện bang Oklahoma nhấn mạnh: “Không có gì sai trái khi cựu Phó Tổng thống Joe Biden nhận được báo cáo tình báo để ông có thể chuẩn bị cho bản thân và qua đó có thể sẵn sàng đảm đương công việc. Không có gì mất mát từ việc ông Biden nhận được các báo cáo tình báo. Nếu điều đó không xảy ra vào vào ngày 13/11, tôi sẽ chính thức can thiệp. Điều đó cần diễn ra bất kể kết quả cuộc bầu cử diễn ra theo chiều hướng nào.”

Sau đó ngày 12/11, có thêm 6 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ việc ông Biden được nhận báo cáo mật.

Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, đại diện bang Iowa và là nghị sĩ có thâm niên lâu nhất bên phía đảng Cộng hòa tại Thượng viện, nói rằng ông Biden phải được nhận báo cáo mật để có thể chuẩn bị sẵn sàng đảm đương trách nhiệm.

Thượng nghị sĩ John Thune, đại diện bang South Dakota và là lãnh đạo thứ hai của đảng Cộng hòa tại Thượng Viện, cũng nói rằng ông Biden phải nhận được các báo cáo tình báo mật. Theo Thượng nghị sĩ Thune, việc chuẩn bị cho mọi tình huống là điều hợp lý. Trong khi đang có kiện tụng, ông không thấy có vấn đề gì với việc cựu Phó Tổng thống Biden nhận được báo cáo tình báo và từ khía cạnh an ninh quốc gia, đây là sự liền mạch cần phải có.

Đáng chú ý, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện và là một đồng minh thân cận của Tổng thống Donald Trump; Thượng nghị sĩ Robert Portman, người có nhiều ảnh hưởng của đảng Cộng hòa; hai nữ Thượng nghị sĩ có quan điểm ôn hòa là Lisa Murkowski và Susan Collins, đều cho rằng ông Biden nên nhận được các báo cáo tình báo vào thời điểm này.

Một sự kiện đáng chú ý khác là Trung Quốc đã lên tiếng chúc mứng tổng thống tân cử của Mỹ.

Ảnh: Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân

Một tuần sau khi truyền thông Mỹ loan tin Joe Biden đắc cử, chính quyền Trung Quốc mới gởi lời chúc mừng tổng thống tân cử. Trong cuộc họp báo ngày 13/11/2020, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố: « Trung Quốc tôn trọng sự lựa chọn của nhân Mỹ và chúc mừng ông Biden và bà Harris. »

Ngay trước đó, ngày 12/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các hãng, công ty Trung Quốc có liên hệ với quân đội nước này.

Sắc lệnh của nguyên thủ quốc gia Mỹ nêu rõ lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 11/01/2021, tức 9 ngày trước khi cuộc bàn giao quyền hành diễn ra. Vẫn theo văn bản này, những công dân Mỹ nào có phần hùn và các lợi ích tài chính khác trong số 31 doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong danh sách bị cấm có thời hạn đến tháng 11/2021 để sang nhượng cổ phần.

Trong sắc lệnh, tổng thống Trump khẳng định Trung Quốc « ngày càng lợi dụng đầu tư của Mỹ để phát triển và hiện đại hóa các hoạt động quân sự, các cơ quan tình báo và nhiều hệ thống an ninh khác, cho phép nước này trực tiếp đe dọa » đến Mỹ và đội quân của Mỹ đồn trú ở nước ngoài.

Vẫn theo chủ nhân Nhà Trắng, tiền của công dân Mỹ đầu tư trong những doanh nghiệp nằm trong « danh sách đen » của Mỹ, cho phép Bắc Kinh cải tiến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và tiến hành cuộc chiến tin tặc « chống lại nước Mỹ và người dân Mỹ ».

Các doanh nghiệp Trung Quốc bị Tư pháp Mỹ nhắm đến là những công ty nhà nước và tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực hàng không, vận tải hàng hải, xây dựng, viễn thông và nhất là các ngành công nghệ mới.

Cùng ngày 12/11, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh đã nói rằng Đài Loan không phải là một phần của Trung Quốc. Sau đó Đài Bắc đã lên tiếng tán đồng và cám ơn phát biểu của ông Pompeo.

Tổng biên tập Hoàn Cầu thời báo Hồ Tích Tiến viết trên Twitter sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã chúc mừng Biden như sau: “Tôi ủng hộ Bộ Ngoại giao Trung Quốc chúc mừng Biden. Tôi nghĩ đây là lỗi của Pompeo. Thái độ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hiện tại đối với Trung Quốc sau cuộc bầu cử là quá tệ. Người dân Trung Quốc hy vọng sẽ thấy ông Pompeo ra đi, bất kể người kế nhiệm của ông có mang lại rắc rối gì cho Trung Quốc.”

Nhà quan sát Đặng Duân bình luận Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể chịu được Trump, chịu được Biden hay bất kỳ ai, miễn là không phải Pompeo. Bởi ông chính là người liên tục chọc vào những chỗ hiểm nhất của họ.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Joe Biden đắc cử Tổng thống: Kẻ vui mừng, người thất vọng

>>> Tổng Thống Trump có thể ‘chơi’ Trung Quốc một vố trước khi rời Nhà Trắng?

>>> Về vườn, tổng thống Trump sẽ làm gì?

Kiện tụng bầu tổng thống Mỹ – Kẽ hở hệ thống có giúp Trump đảo ngược thế cờ?

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT